Cách Tẩm Ướp Gia Vị Chuẩn Như Đầu Bếp 5 Sao

Bởi Dung Chef
google-news

Gia vị là một phần không thể thiếu để tạo nên hương vị thơm ngon trọn vẹn cho món ăn. Là người nội trợ, bạn đã biết được những bí quyết sử dụng chúng trong việc tẩm ướp chưa nhỉ?

Nghệ thuật tẩm ướp gia vị của người Việt rất đa dạng và phong phú. Nắm bắt rõ được bí quyết tẩm ướp sẽ giúp bạn trở thành một người Đầu bếp tài ba. Với bài viết sau đây, bạn sẽ biết thêm nhiều mẹo vặt nấu ăn ngon và vô vàn điều thú vị như nguyên tắc tẩm ướp, trình tự tẩm ướp, lưu ý và khắc phục “sự cố” chuẩn như Đầu bếp 5 sao khi nấu ăn.

Cách tẩm ướp gia vị

Nghệ thuật tẩm ướp gia vị của người Việt rất đa dạng và phong phú.

Dùng gia vị theo thời tiết

Nghệ thuật ẩm thực theo vùng miền và thời tiết chính là yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt của món ăn. Thời tiết đã “can thiệp” khá nhiều vào khẩu vị của con người. Vì vậy, bạn cần biết dựa vào thời tiết để sử dụng gia vị cho hợp lý. Trời mùa đông, bạn nên chú trọng các vị cay, ngọt… Khi nắng nóng nên thiên về gia vị giúp món ăn thanh nhẹ, mát như luộc, hầm và canh với vị hơi chua.

Khử hoặc giữ mùi nguyên vật liệu

Khi nấu các món ăn có mùi tanh như cá, bạn cần cho nhiều nguyên liệu để khử mùi. Trong đó, chất cay là sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, khi chế biến các món ăn từ thực liệu như thịt gà, thịt vịt hoặc các loại rau cần phải giữ nguyên vị thơm ngon đặc biệt, bạn không nên cho nhiều gia vị nhằm lưu lại mùi vị riêng của từng loại thực phẩm.

Chọn gia vị phù hợp với cách chế biến

Tùy cách chế biến từng món ăn mà bạn phải chọn loại gia vị cho phù hợp. Gia vị của món hầm hay xào khác với món quay hay chiên. Tất nhiên bạn không thể cho bột tẩm vào món quay hoặc xào phải không nào.

Phù hợp với khẩu vị của mọi người

Một bữa ăn ngon không phải là các món ăn vừa với khẩu vị của người nấu mà phải là khi mọi người trong bữa ăn cảm thấy thích và hài lòng. Vì vậy, ngoài việc căn cứ vào khẩu vị chung, bạn cần lưu ý khẩu vị riêng của những người có mặt trong bữa ăn. Có người thích ăn cay, người thích ăn chua, người lại thích ngọt. Bạn hãy khéo léo điều chỉnh và gia giảm gia vị cho phù hợp nhé.

Sử dụng mì chính

Theo một số nghiên cứu khoa học, bạn nên sử dụng mì chính trong điều kiện nhiệt độ 70 – 80 độ C. Nếu mì chính cho vào thức ăn đang ở mức quá nóng, mì chính sẽ chuyển hóa thành chất có hại. Các món như rau trộn, nộm không cho mì chính vì nhiệt độ thấp, mì chính không thể tan hết. Như vậy, việc nêm nếm lúc này hầu như không có tác dụng.
Đối với các món hấp, luộc, xào và tái hay các loại nhân bánh, bạn không nên cho mì chính vào vì trong quá trình gia nhiệt có thể biến mì chính thành chất gây hại. Không nên lạm dụng mì chính vào các món ăn có độ ngọt như cá, tôm, thịt… để không làm giảm đi mùi vị vốn có của chúng.

Trình tự tẩm ướp gia vị

Điều quan trọng nhất trong việc tẩm ướp gia vị là quy trình chính xác. Nguyên tắc chung về trình tự tẩm ướp như sau: Mặn, ngọt, thơm, cay.

Để đạt độ thẩm thấu và hương vị thơm ngon như mong muốn sau khi nấu, bạn cần chú trọng vào thứ tự ướp các loại gia vị.

– Mặn: Muối, hạt nêm, nước mắm…

– Ngọt: Đường, bột ngọt, mật ong…

– Thơm: Hành tím, tỏi băm, rượu, tiêu, mè, lá thơm…

– Cay: ớt, sa tế, tiêu…

Không mùi: Dầu ăn, trứng và bột mì là ba loại “gia vị” khá đặc biệt, bạn nên cho vào cuối cùng.

Nếu số lượng thực phẩm cần tẩm ướp nhỏ, bạn có thể ướp trực tiếp. Bạn nên trộn lên một lần trước khi ướp một loại gia vị khác vào, gia vị sẽ đều hơn. Nếu lượng thực phẩm cần ướp lớn, bạn nên trộn hỗn hợp gia vị vào chén, sau đó rưới lên thực phẩm, gia vị sẽ thầm đều vào thực phẩm hơn.

Thời gian tẩm ướp

Thịt heo, gà: Ướp trên 30 phút với miếng to.

Thịt bò, cừu: 10 phút với thịt nguyên khối.

Thịt lát hoặc băm: Dưới 5 phút hoặc không cần ướp, nêm trực tiếp khi nấu.

Cá: 15 – 20 phút. Cá biển có độ mặn tự nhiên nên ướp ít hơn cá sông.

Hải sản: 5 – 10 phút cho tôm còn nguyên vỏ, mực lá dày; 5 – 10 phút cho tôm bỏ vỏ, mực ống; Bạch tuộc: 15 phút.

Củ quả: Rắc gia vị trước khi đút lò nướng.

Hy vọng với những bí quyết tẩm ướp thú vị trên sẽ đem lại nhiều món ăn ngon cho gia đình của bạn.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.9 (13 bình chọn)

Tác giả: Chef Dung

Được tiếp xúc với Nghề Bếp từ rất sớm, Dũng Chef đã thành công từ vị trí Phụ Bếp. Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm theo đuổi nghề, Dũng Chef trở thành một Đầu Bếp tài năng trong lĩnh vực Bếp và đặc biệt là Bếp Hoa.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn